Friday, December 11, 2009

Xung quanh chuyến viếng thăm Vatican của Chủ tịch Nguyễn Minh Triết




Cuộc gặp của Chủ tịch Nguyễn Minh Triết với Giáo Hoàng - Cảm nhận qua bản tin TTXVN - J.B Nguyễn Hữu Vinh
Sunday, 13 December 2009 01:42 J.B Nguyễn Hữu Vinh.




Cuộc gặp gỡ giữa Đức Giáo Hoàng và Chủ tịch Nguyễn Minh Triết được dư luận chú ý. Nhiều người đã suy đoán về mục đích và diễn biến của cuộc gặp lịch sử này với nhiều chính kiến và cách nhìn khác nhau.


Mong chờ và hi vọng
Là một công dân VN, là giáo dân, chúng tôi chờ đợi và hi vọng về cuộc gặp gỡ này từ lâu với nhiều suy nghĩ vì đây là một cuộc gặp lịch sử đầu tiên của quan chức đứng đầu đất nước cộng sản VN đặt chân đến điện Vatican.

Giáo Hoàng gặp Chủ tịch VN Nguyễn Minh Triết


Chúng tôi mong muốn có một cuộc gặp gỡ thật chân thành, thẳng thắn trong tinh thần Sám hối, Hòa giải và Hi vọng như tinh thần của Sứ điệp Đức Thánh Cha đã gửi và HĐGMVN đã ghi rõ trong dịp Khai mạc Năm Thánh vừa qua để hai bên có những bước tiến bộ mới nhằm đưa lại cho đất nước VN sự hội nhập đầy đủ với thế giới bên ngoài và có những tiến bộ trong đất nước vốn đã tụt hậu sau gần 35 năm kết thúc chiến tranh.
Trước cuộc gặp gỡ, đã có nhiều sự đồn đoán. Có người cho rằng đây là một bước đi thiện chí của Nhà nước VN trên bước đường hội nhập quốc tế. Có người cho rằng đây là thiện chí của Vatican trên con đường hòa hợp, hòa giải để mưu cầu những điều kiện tốt hơn cho thế giới và nhân dân VN nói chung, nhất là đối với giáo dân.
Có người lo lắng: Nhỡ đâu Chủ tịch lại tiếp tục “chém gió tấu hài” về hai nước như “một anh ở châu Á, một anh ở Châu Âu” “thay nhau gìn giữ hòa bình thế giới” như ở Cuba hoặc “phân hóa nội bộ Vatican” như ông đã từng làm với Tổng thống Mỹ… thì chắc cuộc gặp gỡ chỉ làm nhân dân VN thêm xấu hổ.
Cũng có người hi vọng: Sau những thiện chí của Vatican đối với VN qua những sự kiện vừa qua, đặc biệt là qua những động thái đầy tính hòa bình đã được khởi động và nhất là trong điều kiện VN đang đứng trước những khó khăn thách thức khi “các thế lực thù địch” bên ngoài và bên trong không hiểu vì sao cứ mọc lên nhan nhản chống phá như đảng và nhà nước từng cảnh báo. Vì vậy, nhà nước VN sẽ chân thành để có những cuộc đối thoại tốt đẹp tìm kiếm sự hợp tác chân thành mưu cầu lợi ích chung có như thế mới có cơ may loại bỏ dần “các thế lực thù địch”.
Trước khi bước chân đến điện Vatican, ông Nguyễn Minh Triết đã nói: "Chúng tôi đang tìm cách thiết lập quan hệ ngoại giao với Tòa Thánh."
Kết quả
Và rồi cuộc gặp cũng đã diễn ra đúng lộ trình. Những chi tiết của cuộc gặp gỡ và trao đổi giữa hai bên thực chất như thế nào, có lẽ chưa ai biết được ngoài Vatican và Hà Nội.
Nhưng theo dõi trên các phương tiện truyền thông trong và ngoài nước, một số vấn đề chính mà người ta có thể đọc được rằng:
- Hai bên đã gặp gỡ, và phía Vatican đã đánh giá là có tiến bộ mới trên bước đường quan hệ giữa hai bên.
- Phía VN, ông Triết “tin tưởng rằng, với thiện chí và quyết tâm của hai bên, quan hệ giữa VN và Tòa Thánh Vatican sẽ tiếp tục phát triển phù hợp với mong muốn của hai bên”.
Tiến bộ như thế nào theo đánh giá của Vatican là điều dễ nhìn thấy, từ chỗ đuổi bằng được Sứ thần Tòa Thánh đi khỏi VN, nay Thủ tướng, rồi Chủ tịch nước đến tận Vatican để “tìm cách thiết lập quan hệ” thì đó không là tiến bộ thì là gì.
Còn việc phía VN cho rằng với thiện chí và quyết tâm, thì cần phải xem xét. Thiện chí và quyết tâm của Vatican thì đã rõ, còn phía VN?
Nhận xét về nội dung và hình thức cuộc gặp qua báo chí nhà nước
Nội dung cuộc gặp gỡ chưa được tiết lộ, nhưng qua những gì truyền thông VN đưa tin có thể nhận xét:
Theo các hãng tin quốc tế, Giáo hoàng đã tiếp chủ tịch Triết trong gần 40 phút, thời lượng gần gấp đôi các cuộc tiếp nguyên thủ quốc gia khác. Thời gian nhiều hơn gấp hai lần như đã dự trù là 20 phút, theo hãng tin AP.
Như vậy, những người chú ý có thể mừng vì có thể giữa hai bên có nhiều vấn đề đáng được bàn luận, đặc biệt là sự chiếu cố ngoại thường của Đức Giáo hoàng đối với Chủ tịch VN sẽ có nhiều nội dung phong phú và chân thành giữa hai bên.
Ngày 11/12/2009, khi truyền thông quốc tế đã đưa tin từ lâu, thì báo chí VN bắt đầu đưa tin trên bản tin Vietnam+ (Trang tin của TTXVN). Sau đó, các báo lề phải có nhiệm vụ coppy lại.



Thông tấn xã Việt Nam phát tin cho các báo coppy lại



Thấy gì qua bản tin “lề phải”?
Về hình thức: Bản tin có tất cả 570 chữ phần gặp Giáo Hoàng kể cả tiêu đề thì ông Triết nói hết 447/570 chữ, phần Giáo Hoàng nói là 123/570 chữ.
Như vậy, hầu như cuộc gặp gỡ đó ông Triết nói gấp 4 lần Đức Giáo Hoàng, trong khi ông đang là khách và Giáo hoàng là chủ nhà. Điều đó có nghĩa gì?
Phải chăng ông Triết chưa đến Vatican lần nào, nên cố tìm cách nói để “động viên, phân hóa nội bộ” Giáo Hoàng và Vatican?
Hay bởi Giáo Hoàng đã già yếu không thể nào nói kịp được với ông Triết?
Về nội dung: Hầu hết những lời phát biểu của ông Triết với Giáo Hoàng được bản tin đưa ra là: “Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết khẳng định (2 lần)… Chủ tịch nước nêu rõ… Chủ tịch nước thông báo… Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết bày tỏ… Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết cũng ghi nhận… Ông Triết cũng bày tỏ mong muốn… Chủ tịch nước nhấn mạnh…”.
Ông Triết còn nhắc đến tinh thần Thư chung của HĐGMVN 1980 “sống Phúc âm giữa lòng dân tộc” mà không nói rõ khái niệm “dân tộc” ở đây là gì? Có đồng nghĩa với đảng và nhà nước không, hay đồng nghĩa với dân tộc VN đang tụt hậu, nghèo đói, những người cùng khổ mà Giáo hội VN đang muốn tham gia xóa bớt nỗi đau của họ về từ thiện, y tế, giáo dục mà đã bao năm đề nghị vẫn chưa được nhà nước cho phép?
Còn Giáo Hoàng thì chỉ có: “cảm ơn Nhà nước VN… Giáo hoàng bày tỏ đồng tình với ý kiến phát biểu của chủ tịch… nêu mong muốn…”. Chỉ có thế là hết.
Tôi cứ nghĩ mãi: Chẳng lẽ nào ông Triết lặn lội đi từ VN sang đến tận Vatican chỉ để “khẳng định, nêu rõ, thông báo, bày tỏ, ghi nhận, nhấn mạnh…” đều những thứ thuộc nội bộ VN? Và “khẳng định VN sẵn sàng thúc đẩy quan hệ với Tòa thánh Vatican…” Nghĩa là VN sẵn sàng thúc đẩy quan hệ, còn muốn có quan hệ hay không là ở Vatican. Còn Giáo Hoàng chỉ có ngồi nghe, rồi “cảm ơn và đồng tình”?
Nếu chỉ có những thứ này, thì chắc ông Triết chỉ cần ngồi nhà, viết một bản thông báo gửi sang Giáo Hoàng, có thể bằng email, thế là xong. Việc gì nhọc công đến thế? Con tôi mới học lớp 5 vẫn thường làm thế khi cần trao đổi thông tin cho bạn bè khắp nơi.
Đánh tráo hay không hiểu? Bé cái… lầm
Đọc lại nội dung của bản tin, tôi không tin vào mắt mình nữa: “Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết cũng ghi nhận và hoan nghênh Sứ điệp của Giáo hoàng gửi Giáo hội Công giáo VN dịp khai mạc Năm Thánh 2010 trong đó Vatican nhìn nhận những sai lầm trong quá khứ lẫn hiện tại và xin tha thứ”.
Đây quả là sự “bé cái lầm” của ông Triết với Sứ điệp của Giáo Hoàng Benedict.
Sứ điệp của Giáo Hoàng gửi Hội Đồng Giám mục VN và cộng đồng dân Chúa VN chứ đâu có gửi cho ông Triết mà ông đọc trộm rồi “ghi nhận”?
Trong sứ điệp đó, Giáo Hoàng kêu gọi tất cả mọi Giáo hữu Kitô, từ Giáo Hoàng đến giáo dân tự hạ mình để Sám hối, để nhìn nhận những tội lỗi của mình đối với “anh em đồng đạo và đồng bào” chứ đâu phải với ông Triết mà ông vội vàng “ghi nhận”?
Chắc chắn ông Triết và báo chí VN không thể biết rằng, việc sám hối, ăn năn là chuyện thường xuyên phải làm của bất cứ tín hữu Kitô nào hàng ngày, trong các Thánh lễ, trong các công việc… Đó không có gì là lạ lùng đối với người Công giáo. Vì vậy việc nhìn nhận các sai lỗi của mình là việc của mọi tín hữu Kitô chứ không phải của Vatican như ông Triết đã nhầm tưởng… bở.
Trong cuộc sống của mỗi con người và xã hội, (may chăng thì chỉ có đảng Cộng sản VN, đội quân tiên phong, là trí tuệ nhân loại mới không có sai lầm và không thừa nhận sai lầm mà thôi) còn lại chưa có ai không có sai lầm, vì vậy mỗi người luôn cần phải sám hối, ăn năn tự xét mình.
Đó là luật Chúa từ mấy ngàn năm nay đâu phải điều gì mới mẻ.
Điều cần nói thêm để cho nhà nước, ông Triết và hệ thống báo chí rõ hơn là: Việc sám hối của Kitô hữu với những sai sai lỗi của mình, là để “hòa giải với Thiên Chúa và anh em đồng loại”, đâu phải với hệ thống công quyền do ông đứng đầu mà ông vội mừng để rồi ghi nhận?
Vì vậy khi nhìn thấy Sứ điệp có nhắc đến việc Sám hối của mỗi người, ông vội vàng cho rằng: đó là “Vatican đã nhìn nhận những sai lầm trong quá khứ và hiện tại và xin tha thứ”? Chắc ông nghĩ là xin lỗi với ông chăng?
Cũng có một điều cần nói ở đây, hoặc là ông Triết đã lại mắc chứng đánh tráo khái niệm trong ngôn ngữ ngay cả với Đức Giáo Hoàng khi lần đầu gặp mặt, hoặc là môn Tiếng Việt ông không nắm chắc lắm.
Trong Sứ điệp, Đức Giáo Hoàng viết: “chúng ta nên nhìn nhận những sai lỗi chúng ta đã phạm..” hoàn toàn không có chữ “sai lầm”.



Nên nhớ rằng hai khái niệm ngôn ngữ này khác nhau. Theo từ điển Tiếng Việt thì: “sai lầm” là: “Trái với yêu cầu khách quan hoặc với lẽ phải, dẫn đến hậu quả không hay”. Còn “sai lỗi” là : “Chỗ sai sót do không thực hiện đúng quy tắc. 2 Điều sai sót, không nên, không phải trong cách cư xử, trong hành động. Có chỗ sai sót về mặt kĩ thuật. Có điều sai, trái, không theo đúng đạo lí”.


Tôi không rõ liệu ông Triết có thấy áy náy gì không khi “ghi nhận” “Vatican đã nhìn nhận những sai lầm trong quá khứ và hiện tại và xin tha thứ”? một cách ráo hoảnh trước Đức Giáo Hoàng?
Thực ra, mọi người đều biết, người cần “xin lỗi” để được “ghi nhận” trong cuộc gặp gỡ hiếm hoi hôm đó lẽ ra lại chính là ông Nguyễn Minh Triết. Vì ít nhất là vì đã có lần ông Triết phát biểu: “ Hội Đồng Giám Mục Việt Nam và Tòa Thánh Vatican cũng đồng tình với chúng tôi” khi được hỏi về vụ bắt bớ linh mục Nguyễn Văn Lý. Để rồi sau đó, chính HĐGMVN đã phải rất lịch sự phản đối rằng: “Câu trả lời của Cụ Chủ tịch Nước Nguyễn Minh Triết “ Hội Đồng Giám Mục Việt Nam và Tòa Thánh Vatican cũng đồng tình với chúng tôi “ là không đúng sự thật.”
Nhưng, đó chỉ là suy nghĩ của người bình thường, bởi nếu người Cộng sản như ông Triết biết Sám hối như người Công giáo, thì đâu còn là Cộng sản.
Đọc xong đoạn này, tôi mới thấy điều mà những người dân đã bình luận về cuộc “chém gió” tại Cuba của ông cũng không phải là không có lý khi nghe ông nói: “Có người ví von: VN Cu-Ba như là trời đất sinh ra. Một anh ở phía... Đông, một anh ở phía Tây. Chúng ta thay nhau CANH GIỮ HÒA BÌNH CHO THẾ GIỚI. Cu-Ba thức thì VN ngủ. VN gác thì Cu-Ba nghỉ”.
Cũng có thể thông cảm vì ông Triết vốn có trình độ là cử nhân Toán nên món ngôn ngữ ông không chuẩn lắm chăng?
Hoặc cũng có thể đây là đặc tính khó bỏ của báo chí định hướng XHCN vẫn thường “đúng lề phải” nên mới có một blogger đã gọi là “Một nền báo chí đáng xấu hổ”. Đó là trường hợp Chủ tịch Quốc hội Hunggary là bà Szili Katalin đã thôi chức Chủ tịch Quốc hội vào ngày 14-9, gần một tuần trước chuyến viếng thăm của ông Nguyễn Tấn Dũng và ông Katona Bela lên thay, và tất nhiên ông Dũng sẽ gặp gỡ ông Bela chứ không phải là gặp gỡ bà Katalin, nhưng báo chí VN toàn đưa tin ông Dũng gặp gỡ Chủ tịch Quốc hội Katalin. Không chỉ một báo, mà cả dàn đồng ca đều ghi như nhau. Liệu có xảy ra điều tương tự lần thứ 2 trong chuyến đi này của ông Triết?
Cũng trong Huấn từ có một câu hết sức quan trọng ngay sau câu đó mà ông Triết không nhắc đến: “… xây dựng một xã hội công bằng, liên đới và bình đẳng, bằng con đường đối thoại chính thực, tôn trọng lẫn nhau và hợp tác cách lành mạnh với nhau”.
Vì sao vậy? Có phải việc đó là điều không cần thiết bằng việc Vatican đã nhìn nhận những “sai lầm”…? Hay những điều này là điều không thể thực hiện được hoặc không đúng đường hướng VN nên không được hoan nghênh, ghi nhận?
Chưa bao giờ được tham dự những cuộc hội đàm cấp nhà nước như những cuộc này, nhưng đọc xong bản tin, tôi cứ ngồi tưởng tượng ra hoạt cảnh đó như sau:
Ông Triết và bộ sậu VN bước vào điện Vatican sau chuyến đi đường dài. Giáo Hoàng đón ông cùng các quan chức VN ở Phòng khách và dẫn vào nơi bàn làm việc. Rồi hai bên giới thiệu về đoàn tham dự hội đàm. Rồi cả hai cùng đứng chụp ảnh với báo chí. Quãng thời gian này mất dăm bảy phút.
Rồi ông Triết tặng Giáo Hoàng cái bình men sứ Bát Tràng và bức tranh thêu có hình hoa sen. Rồi Giáo Hoàng tặng ông chiếc mề đay có phù hiệu triều đại Giáo Hoàng của Ngài. Mấy việc này chắc phải mất đến chục phút?
Rồi ông Triết bắt đầu “… khẳng định (2 lần)… nêu rõ… thông báo… bày tỏ… ghi nhận… bày tỏ mong muốn… nhấn mạnh…” và Đức Giáo hoàng cứ thế ngồi nghe. Khoảng thời gian này chắc đến vài chục phút để ông Triết có thể nói hết các nội dung về tình hình tự do tôn giáo ở VN, quan điểm của Nhà nước VN tôn trọng tự do tín ngưỡng, sự quan tâm của chính quyền các cấp đối với tôn giáo ra sao, ghi nhận Vatican nhìn nhận sai lầm quá khứ, hiện tại và xin tha thứ, rồi nhiều thứ khác nữa.
Quá trình này cần có thông dịch viên, và vì thế thời gian chắc chắn không dưới vài chục phút nếu ông Triết có sẵn tờ giấy đã viết để đọc, còn nếu ông nói vo vung tay thì còn lâu hơn.
Như vậy khoảng thời gian tiếp khách cũng gần hết, Đức Giáo Hoàng từ đầu đến lúc đó chỉ ngồi ngước nhìn ông Triết biểu diễn.
Khi Giáo hoàng mỏi cổ cúi xuống thì được báo chí VN ghi nhận là đã “bày tỏ đồng tình với ý kiến phát biểu của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết”?
Hèn chi, Vatican đã tăng gấp đôi thời gian dự kiến vẫn chưa đủ. Theo báo chí VN thì thấy Giáo Hoàng chỉ kịp nói “lời cảm ơn Nhà nước VN “cho phép và hỗ trợ” GHCGVN tổ chức thành công lễ khai mạc Năm Thánh 2010, nêu đề nghị Nhà nước VN tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi để GHCG được tham gia đóng góp vào các hoạt động từ thiện, y tế và giáo dục, mong muốn thúc đẩy quan hệ VN-Vatican phát triển hơn nữa trong thời gian tới”.
Vậy là hết.
Tạm kết
Như vậy, cuộc gặp đã được thực hiện, kết quả thế nào là phụ thuộc những động thái đằng sau đó của hai bên. Mọi việc đang ở phía trước.
Tuy nhiên, cảm nhận của người dân quan tâm đến sự kiện này qua bản tin nói trên là đáng thất vọng. Đó là sự không tương đồng trong thái độ đối thoại và cách hành xử của mỗi bên rất khác biệt, như đã phân tích ở trên.
Điều rõ ràng nhất là ở sự Sám hối, Hòa giải từ tận căn của Vatican khác hẳn sự “ghi nhận” nhầm một cách cao ngạo của chủ tịch VN Nguyễn Minh Triết.
Hà Nội, Ngày 12/12/2009
· J.B Nguyễn Hữu Vinh

















11-12-2009 13:04.
Chủ tịch Nguyễn MInh Triết tiếp kiến Giáo Hoàng tại Vatican. Nguồn Profi media
(Vietinfo) Chuyến thăm đầu tiên của chủ tịch nước Việt Nam sang Vatican được dư luận đánh giá tích cực.

Quan hệ Việt Nam - Vatican ấm dần

Phạm Khiêm , BBCVietnamese.com, London

Chủ tịch nước Việt Nam ông Nguyễn Minh Triết vừa gặp Đức Giáo hoàng Benedict XVI tại Tòa thánh Vatican ngày 11/12.

Từ nhiều tháng nay dư luận trong nước và quốc tế quan tâm đến cuộc gặp này.

Một số người gọi đây là sự kiện ngoại giao hiếm hoi giữa Giáo hội Công giáo và nhà nước xã hội chủ nghĩa nhằm xây dựng niềm tin, khôi phục quan hệ ngoại giao.

Dù Việt Nam và Vatican chưa có quan hệ ngoại giao, năm 2007 thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng đã thăm Vatican, và được Đức Giáo hoàng tiếp đón.

Khi ấy cuộc nói chuyện diễn ra tại thư viện của Đức Giáo hoàng.

Lần này vị khách là chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, người đến thăm nhà nước Vatican trong chuyến thăm Ý.

Nghi thức đón tiếp thượng khách Việt Nam xem ra cũng là chủ đề giới thạo tin quan tâm.

Một nguồn tin của BBC cho hay Đức Giáo hoàng không gửi lời mời theo một thông lệ truyền thống.

Vậy nên hiểu chủ đề này ra sao, linh mục Huỳnh Công Minh, đại diện cho Đức Hồng y Phạm Minh Mẫn, Tổng giám mục địa phận Sài Gòn nhắc đến cách nhìn khá đặc biệt: 'quan hệ giữa chủ và tớ.'

“Về nghi thức, Tòa thánh Vatican sẽ đón chủ tịch Việt Nam như một nguyên thủ quốc gia, vì ông Triết là chủ tịch nước.

“Đức Giáo hoàng không có mời bất cứ ai, các nguyên thủ đến thăm thì tiếp đón. Gần đây nhất có tổng thống Mỹ chẳng hạn.

“Tại làm sao? Vừa rồi Đức Hồng y Etchegaray đã giải thích cho Ban Tôn giáo và Dân tộc của chính phủ là Đức Giáo hoàng tự xem mình là đầy tớ của các đầy tớ, những người khách đến đều là chủ cả. Không có bao giờ đầy tớ mời chủ, khi mà chủ đến thì đầy tớ có trách nhiệm phải tiếp, và tiếp với tất cả sự trân trọng.”

Sự nhún nhường này hẳn làm nhiều người không theo Công giáo phải ngạc nhiên nhưng đó cũng là cách "làm ngoại giao nhân dân" của các vị chủ chiên.

Đức Giáo hoàng tiền nhiệm và nhiều hồng y cũng từng thực hành nghi lễ rửa chân cho dân chúng để tỏ sự khiêm tốn.

Tan băng

Chuyến thăm đầu tiên của chủ tịch nước Việt Nam sang Vatican được dư luận đánh giá tích cực.


Trong cuộc phỏng vấn mới nhất dành cho hãng tin Công giáo quốc tế CNA, Đức Hồng y Etchegaray, nguyên chủ tịch Hội đồng tòa thánh Công lý và Hòa bình gọi chuyến thăm của chủ tịch Triết là “điều thiết yếu cho sự xích lại gần nhau giữa Đông và Tây.”

Đức Hồng y nói thêm, ngài hy vọng quan hệ song phương vốn “chậm chạp và cam go” giữa Hà Nội và Vatican từ nay được đánh dấu bằng “tinh thần tín nhiệm lẫn nhau.”

Ông Nguyễn Thế Doanh cựu trưởng ban tôn giáo của chính phủ Việt Nam cùng chia sẻ cảm xúc này của Đức Hồng y Etchegaray.

Ông cho rằng quá trình khôi phục quan hệ ngoại giao giữa hai nước sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố, từ bên trong ra bên ngoài.

“Cái đó nó còn lệ thuộc vào nhiều vấn đề, lệ thuộc vào nỗ lực của cả hai bên, kể cả phía Tòa thánh nữa. Tòa thánh thì lâu nay cũng có rất nhiều nỗ lực thiện chí.

“Nhưng nó còn phụ thuộc vào yếu tố nữa, đó là giáo hội công giáo Việt Nam ở trong nước, sao cho nó cùng hòa một nhịp chung. Thì cái đó mới là một vấn đề phải phấn đấu.

“Rất tiếc cũng còn một bộ phận trong số giáo sĩ, công giáo, tất nhiên không nhiều, một bộ phận nhỏ thôi vẫn còn não trạng không phù hợp với xu thế mới.

“Vì vậy giữa tòa thánh với giáo hội là một, vì giáo hội công giáo hoàn vũ mà. Như vậy nó phải cùng một nhịp. Theo tôi hiểu là thế.”

Chủ đề khúc mắc

Một trong những vấn đề còn khúc mắc là tranh chấp đất đai và các cơ sở Công giáo mà chính quyền thu sau năm 1955 tại miền Bắc và sau 1975 tại miền Nam.

Trong bài trả lời phỏng vấn với hãng thông tấn Fides, Tổng Giám mục TPHCM, Hồng y Phạm Minh Mẫn nói sau 1975 chỉ riêng Giáo phận Sài Gòn 'bị mất 400 cơ sở'.

Các vụ tranh chấp ở Tòa Khâm sứ cũ và Thái Hà ở Hà Nội hơn hai năm qua cũng thu hút dư luận. Giáo sư thần học Công giáo Nguyễn Đăng Trúc từ Strasburg, Pháp, nói về quan điểm mà một số vị giám mục Việt Nam nêu ra.

“Về đất đai tôi không hiểu tại sao chính quyền lại đặt ra các vấn đề là đất ở Tòa Khâm sứ, Tòa Giáo hoàng Học viện Đà Lạt.

"Cái chuyện đất đai nhỏ như vậy mà trong lúc vấn đề bang giao với Tòa thánh không phải là chuyện nhỏ vì vấn đề đó là mở ra cái bầu khí chung cho cái người Việt trên phương diện vấn đề tâm lý.

“Trên phương diện quốc tế người ta luôn quan sát sự khả tín liên quan đến lời nói của chính quyền, vậy tại sao Hà Nội lại để cho các địa phương có những quyết định như vậy. Cái đó là một dấu hỏi rất lớn đặt ra cho chúng tôi.”

Đức cha Phero Nguyễn Văn Nhơn chủ tịch Hội đồng giám mục Việt Nam gọi cuộc gặp giữa Giáo hoàng và chủ tịch Nguyễn Minh Triết là biến cố làm cho “tâm hồn các tín hữu công giáo Việt Nam tràn đầy hy vọng.”

Nhân dịp này hãng tin Fides của Bộ Truyền giáo Vatican đã nói đến các yếu tố cơ bản để khôi phục quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Tòa thánh.

Chúng bao gồm: tự do tôn giáo; quyền được bổ nhiệm giám mục, và linh mục; chính quyền tạo điều kiện xây dựng nơi thờ phượng của giáo dân; giải quyết tranh chấp liên quan đến tài sản của giáo hội. Và tạo điều kiện cho việc truyền đạo.

Nguồn BBC


Chủ tịch Nguyễn Minh Triết cùng Giáo Hòang tại Vatican. Photo Profi Media
Việt Nam tìm kiếm quan hệ ngoại giao với Vatican

Chủ tịch Nguyễn Minh Triết nói trong một phỏng vấn mới đây rằng Việt Nam muốn thiết lập quan hệ ngoại giao với Tòa thánh Vatican.

Hiện ông chủ tịch đã rời Hà Nội đi Ý trong chuyến thăm cấp Nhà nước đầu tiên của một Chủ tịch nước Việt Nam tới nước này kể từ khi hai bên thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 23/03/1973.

Trước khi lên đường thăm Rome và diện kiến Giáo hoàng Benedict XVI, ông Triết đã dành cho nhật báo tiếng Ý Corriere della Sera một cuộc phỏng vấn.

Ông nói với tờ báo trụ sở chính tại Milano: "Chúng tôi đang tìm cách thiết lập quan hệ quan hệ ngoại giao với Tòa thánh."

Hồi đầu năm nay, bản thân Đức Giáo hoàng đã bày tỏ hy vọng có quan hệ "lành mạnh" giữa Giáo hội Công giáo và Nhà nước Việt Nam.

Quan hệ Việt Nam - Vatican đã được cải thiện trong thời gian gần đây, nhất là từ sau khi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có chuyến thăm và yết kiến Giáo hoàng hồi năm 2007.

Tuy nhiên giới bình luận cho rằng còn một số rào cản phải vượt qua trước khi hai bên có thể có quan hệ ngoại giao chính thức.

Giáo hội Công giáo Việt Nam vẫn còn một số khiếu nại liên quan tới đất đai, bất động sản mà họ cho là Nhà nước đã "lấy của người Công giáo".

Ngược lại, giới chức Việt Nam cho rằng Giáo hội trong nước và Tòa thánh cần phải "đi cùng một nhịp" trong các nỗ lực bình thường hóa thông qua bày tỏ thiện chí.

Quan hệ ấm dần

Tuần này, Radio Vatican th̀ưa nhận quan hệ hai bên " đã ấm dần trong những năm gần đây" tuy nhắc rằng chính quyền Việt Nam vẫn muốn giữ quyền thông qua việc bổ nhiệm linh mục và theo dõi các hoạt động tôn giáo một cách chặt chẽ.

Trong phỏng vấn với Corriere della Sera, ông Nguyễn Minh Triết nói ông vô thần nhưng vẫn đi chùa vì "nhận thức được giá trị văn hóa" của các hoạt động tôn giáo.

Chuyến đi của ông chủ tịch nước đang mang lại hy vọng rằng sẽ sớm có một ngày Đức Giáo hoàng tới thăm đất nước cộng sản.

Với 6 triệu tín đồ, Việt Nam có cộng đồng Công giáo lớn thứ hai Á châu, chỉ sau Philippines.

Về chuyến thăm Vatican của ông Nguyễn Minh Triết, Hồng y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn, Tổng Giám mục địa phận TP Hồ Chí Minh, nói trong một phỏng vấn đăng trên Thông tấn xã Công giáo Viet Catholic:

"Điều tôi cảm nhận là Vatican và Việt Nam xem ra đều có thiện chí muốn xây dựng một mối quan hệ tương tự như thế. Và tôi hy vọng hoàn cảnh hôm nay có những thuận lợi cho đôi bên hình thành mối quan hệ đó."

Đức Hồng y nói: "Tôi nghĩ rằng mối quan hệ nào cũng có thể có những bất đồng."

"Nhưng tôi hy vọng rằng qua đối thoại trong sự tôn trọng lẫn nhau và tôn trọng sự thật, dần dần đôi bên hiểu nhau hơn, và cùng nhau vượt qua những bất đồng trong tình làng nghĩa xóm."

Nguồn BBC




Chương mới trong quan hệ Việt Nam-Vatican?

Chủ tịch nước Việt Nam, ông Nguyễn Minh Triết, vào ngày thứ sáu 11 tháng 12, có cuộc hội kiến với người đứng đầu giáo hội Công giáo La Mã, Đức giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 tại Vatican.

Cách đây 2 năm, thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đã sang thăm Vatican."Đức Giáo Hoàng Benedict 16 và phái đoàn của TT. Nguyễn Tấn Dũng hôm 25-1-2007"

Cuộc gặp được người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam loan báo chính thức, và một nguồn tin thân cận từ Vatican nói rõ đó là một cuộc gặp không chính thức giữa chủ tịch nước Việt Nam với giáo hoàng Bênêđíctô thứ 16. Tuy vậy, lần hội kiến đó cũng có mục tiêu tiến lại gần nhau hơn.

Gia Minh hỏi chuyện Đức ông Barnaba Nguyễn Văn Phương, Thư ký Bộ Truyền Giáo, về chuyến viếng thăm của chủ tịch Việt Nam đến Vatican.Trước hết Đức ông Nguyễn Văn Phương đưa ra nhận định về mục tiêu của chuyến viếng thăm:

Thiện chí và trở ngại

Đức ông Nguyễn Văn Phương: Đức giáo hoàng dĩ nhiên luôn luôn sẵn sàng tiếp rước mọi vị quốc trưởng. Khi mà tiếp xúc như vậy thì hai bên đều có thiện chí để nói chuyện, xích lại gần nhau. Chuyện này thì rất tốt dù chưa có quan hệ ngoại giao. Đó là dấu hiệu làm cho người Việt Nam nói chung, và phía những người Công giáo đều tin tưởng, hy vọng qua gặp gỡ thì hiểu nhau hơn và xích lại gần nhau hơn.

Gia Minh: Đây là chuyến đến Vatican thứ hai của một vị đứng đầu nhà nước Việt Nam; sau chuyến đến Vatican của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hồi tháng hai năm 2007; vậy thì từ đó đến nay Đức Ông nhận thấy sự xích lại gần nhau, thông hiểu nhau giữa chính quyền Hà Nội và Vatican ra sao?

Đức ông Nguyễn Văn Phương: Thiện chí giữa hai bên thì về phía Tòa Thánh từ 2007 có những lần đi Việt Nam. Những lần đi Việt Nam như vậy thì có sự hiểu biết nhau hơn, có cố gắng xích lại gần, có muốn tiến đến liên hệ ngoại giao giữa hai bên nhưng bước đường đi đến đâu thì cần phải có thời gian.

Gia Minh: Trong tháng hai năm nay thì Đức Ông có đi trong đoàn ngoại giao Tòa Thánh đến Việt Nam làm việc, thì Đức Ông thấy có điều gì đặc biệt đáng chú ý?

Đức ông Nguyễn Văn Phương: Sau đó thì có quyết tâm hai bên sẽ cố gắng đi đến ngoại giao; nhưng những bước đi từ đó tới nay thì chưa có gì cụ thể.


Gia Minh: Vatican là giáo hội Mẹ, và tại Việt Nam trong thời gian qua có xảy ra những sự kiện giữa giáo hội Công giáo Việt Nam với phía chính phủ, theo Đức Ông thì những trở ngại, trục trặc đó được thông hiểu để giải quyết như thế nào?

Đức ông Nguyễn Văn Phương: Vẫn còn có những yêu sách về phía những người Công giáo Việt Nam. Yêu sách về những tài sản thì vẫn còn đó, chưa có gì đổi mới.

Gia Minh: Việt Nam và Vatican muốn thiết lập quan hệ, theo thông lệ trong quan hệ ngoại giao thì những cơ sở trước đây như Tòa Khâm sứ nơi mà vị Khâm sứ đại diện Tòa Thánh ở tại Hà Nội trước kia, vậy thì khi thiết lập quan hệ thì cơ sở đó cũng phải dành cho người đại diện mới, phải không thưa Đức Ông?

Đức ông Nguyễn Văn Phương:Như anh biết thì một phần đất của Tòa Khâm sứ đã trở thành công viên, tòa nhà thì còn đó. Dĩ nhiên là khi có liên hệ ngoại giao thì chắc chắn cũng phải đặt vấn đề đó; nó phải được giải quyết một cách công bình. Hiện tại thì sự kiện là nó trở thành công viên.

Gia Minh: Đó là cơ sở về mặt ngoại giao, còn những cơ sở như Giáo Hoàng Học Viện tại Đà Lạt, và dù giáo hội Việt Nam muốn có lại cơ sở đó để đào tạo linh mục cho giáo hội, nhưng một phần đang được xây dựng thành công viên, thì Đức Ông có theo dõi tình hình đó không?

Đức Ông Nguyễn văn Phương: Tôi theo dõi qua báo chí, qua Internet thì cũng thấy là một phần đất của Giáo Hoàng Học Viện đang được khởi công biến thành một công viên hay cái gì đó ( không biết phải dùng từ gì). Một phần đất của Giáo hoàng Học viện bị biến thành nơi cho việc sử dụng chung như vậy; mặc dù phía Giáo hội Việt Nam, Hội đồng Giám Mục Việt Nam đã nhiều lân yêu cầu trả lại cho giáo hội để trở thành cơ sở đào tạo các linh mục và giáo dân Việt Nam có trình độ nhằm có thể phục vụ giáo hội và đất nước một cách hữu hiệu hơn. Đến bây giờ chính quyền chưa đáp ứng điều đó. Những điều ấy thì tôi được biết qua báo chí.

Gia Minh: Trong những lần gặp phía đại diện Việt Nam thì những vấn đề đó cũng được đưa ra chứ, thưa?

Đức Ông Nguyễn Văn Phương: Gặp đại diện phía Việt Nam thì cũng có thông tin là giáo hội Việt Nam có những yêu cầu đó. Tòa Thánh tôn trọng những yêu cầu của Giáo hội Việt Nam.

Thông tin giới hạn vì Vatican chưa có đại diện

Gia Minh: Kết quả giải quyết có được thông tin không?

Đức Ông Nguyễn Văn Phương: Trong cuộc gặp vừa rồi thì chỉ nói phớt qua thôi nhưng mục đính chính yếu không phải là nói về vấn đề tài sản của giáo hội.

Gia Minh: Khi tranh chấp về tài sản như thế thì có xô xát, đụng chạm mà có những linh mục bị đánh đập, vậy phía Tòa Thánh có biết không và có thông tin cho phía Việt Nam thế nào?

Đức Ông Nguyễn Văn Phương: Về vấn đề này thì chưa có cơ hội nào nhưng Tòa Thánh cũng biết qua thông tin báo chí cũng như truyền thông xã hội mới. Biết như vậy nhưng mà chưa có cơ hội để đưa vấn đề này ra; như tới bây giờ thì Tòa Thánh theo dõi, biết.

Gia Minh: Dù không có cơ hội, nhưng có ý kiến ra sao không thưa Đức Ông?

Đức Ông Nguyễn Văn Phương: Vì không có cơ hội nên hiện nay cũng không có ý kiến gì. Chừng nào có cơ hội gặp thì lúc đó sẽ có ý kiến.

Gia Minh: Hẳn nhiên tất cả tình hình đều có báo cáo cho Đức Thánh Cha?

Đức Ông Nguyễn Văn Phương: Báo cáo tình hình cho Đức Thánh Cha cũng giới hạn thôi, bởi vì hiện tại Đức Thánh Cha không có đại diện của mình ở Việt Nam. Nếu có đại diện thì có thể nói chuyện với chính quyền và ở địa phương thì biết rõ tình hình. Các Đức giám mục cũng có báo cáo phần nào, nhưng mối liên hệ không được bình thường.

Những người làm việc với Đức Thánh Cha cũng cố gắng theo dõi qua báo chí, Internet để biết tình hình Việt Nam; nhưng trực tiếp để hiểu mà không có người đại diện ở địa phương là điều thiếu sót.

Gia Minh: Có thông tin nói Tổng giám mục Ngô Quang Kiệt của giáo phận Hà Nội đã gửi đơn xin từ chức, là người ở Vatican và có tham gia những đoàn đi Việt Nam rồi thì tin đó ở Vatican hiện nay ra sao?

Đức Ông Nguyễn văn Phương: Tôi chỉ biết qua báo chí tin này thôi chứ không biết gì nhiều hơn.

Gia Minh: Khả năng Đức Thánh cha đến thăm giáo hội Công giáo Việt Nam, nước có nhiều giáo dân Công giáo đứng hàng thứ nhì ở khu vực Đông Nam Á, thì khả năng này ra sao?

Đức Ông Nguyễn Văn Phương: Đối với tín hữu Công giáo Việt Nam thì việc được Đức Thánh cha đến thăm là điều hết sức vui mừng, mong mỏi. Các đức giám mục có lần nói với Đức Thánh Cha là mong mỏi Ngài đến thăm giáo hội Việt Nam. Về phía giáo hội thì điều đó là dĩ nhiên rồi. Nhưng về mặt chính quyền thì Đức Thánh cha đến nước nào cũng phải có sự đồng ý của chính quyền nước đó.Hiện tại chưa có liên hệ ngoại giao với Việt Nam nên điều đó không phải là dễ.

Gia Minh - RFA


Chủ tịch Nguyễn Minh Triết cùng Giáo Hòang tại Vatican. Photo Profi Media




Thông Tấn Fides tại Vatican phỏng vấn ĐHY GB. Phạm Minh Mẫn trả lời về cuộc gặp gỡ sắp tới giữa Chủ tịch Việt Nam và ĐTC Beneđictô XVI

Phóng viên Paolo Affatato của hãng Thông tấn Fides của Vatican đã gửi 4 câu hỏi phỏng vấn ĐHY Phạm Minh Mẫn, và hôm nay ĐHY GB Mẫn đã trả lời cho Fides đồng thời Ngài cũng có gửi trực tiếp cho VietCatholic những câu hỏi và trả lời như sau:

1. What are your hopes and your feelings about the meeting of the President of Viet Nam with the Pope? Đức Hồng Y có những hy vọng nào và cảm tưởng của ĐHY ra sao về cuộcc gặp gỡ của Chủ Tịch Việt Nam với Đức Giáo Hoàng?

ĐHY Phạm Minh Mẫn: Thế giới toàn cầu hoá hôm nay đang thu hẹp thành một ngôi làng, nơi đó các quốc gia trở thành những gia đình sống thân cận với nhau. Theo truyền thống văn hoá Việt Nam, các gia đình đó thường ứng xử với nhau theo tình làng nghĩa xóm. Điều tôi cảm nhận là Vatican và Việt Nam xem ra đều có thiện chí muốn xây dựng một mối quan hệ tương tự như thế. Và tôi hy vọng hoàn cảnh hôm nay có những thuận lợi cho đôi bên hình thành mối quan hệ đó.

2. What are the main issues that will be discussed? Những vấn đề chính nào sẽ được bàn tới?

ĐHY Phạm Minh Mẫn: Tôi nghĩ rằng mối quan hệ nào cũng có thể có những bất đồng. Nhưng tôi hy vọng rằng qua đối thoại trong sự tôn trọng lẫn nhau và tôn trọng sự thật, dần dần đôi bên hiểu nhau hơn, và cùng nhau vượt qua những bất đồng trong tình làng nghĩa xóm. Ngày 4.12.2009, tôi có phổ biến bản tin "Tìm hiểu dư luận, bình luận, nhận định về Đức Giáo Hoàng Bênêđitô XVI và Thông điệp "Tình Yêu trong Chân Lý", nhằm góp phần vào sự hiểu biết nhau hơn (xem bản văn I đính kèm ở dưới).

3. What does the Catholic community in Viet Nam expect from the visit? Cộng Đồng Công Giáo tại Việt Nam kỳ vọng gì từ cuộc gặp gỡ này?

ĐHY Phạm Minh Mẫn: Cộng đồng công giáo tại Việt Nam, nói chung, mong đợi những người chủ gia đình trong ngôi làng toàn cầu hoá này mỗi ngày đồng cảm với nhau hơn, cùng nhau đem lại hoà khí cho các gia đình trong ngôi làng, chung sức giúp cho các gia đình đó phát triển toàn diện và vững bền, xây dựng ngôi làng thành một cộng đồng nhân loại mới sống trong chân lý và tình yêu, trong công lý và hoà bình.

4. What is the situation of the Church in Viet Nam today? Tình trạng Giáo Hội tại Việt Nam ngày nay ra sao?

ĐHY Phạm Minh Mẫn: Sau cuộc viếng thăm Ad Limina hôm cuối tháng 6 vừa qua, theo lời giáo huấn của Đức Thánh Cha, tôi có ghi lại đôi nét về hình ảnh giáo phận Thành phố của Tổng giáo phận hiện nay, nói lên phần nào tình hình Giáo Hội tại Việt Nam (xem bản văn II đính kèm).

I. TÌM HIỂU DƯ LUẬN, BÌNH LUẬN, NHẬN ĐỊNH VỀ ĐỨC GIÁO HOÀNG BÊNÊĐITÔ XVI

VÀ THÔNG ĐIỆP “TÌNH YÊU TRONG CHÂN LÝ”

1. Qua truyền thông, tôi thấy một số đông lãnh đạo các tôn giáo có lời kêu gọi mọi người, mọi giới quan tâm học hỏi, nghiên cứu Thông điệp “Tình yêu trong chân lý” nhằm cùng nhau khám phá định hướng và động lực xây dựng một thế giới an lành hơn, tốt đẹp hơn cho nhân loại đang đối diện với những vấn đề nghiêm trọng cùng khủng hoảng trong tình hình xã hội hôm nay.

2. Gần đây, tân Thủ Tướng Nhật Bản có đưa ra nhận định rằng phát triển một xã hội tự do, bình đẳng, dân chủ, mà thiếu tình huynh đệ, thì sự phát triển để lại nhiều khó khăn nan giải.

3. Nhà bình luận Michael Winters của tuần báo The America bình luận rằng, qua Thông điệp “Tình yêu trong chân lý”, Đức Giáo Hoàng Bêneđitô XVI đóng góp một phần quan trọng trong việc xây dựng một nền nhân bản toàn diện. Nền nhân bản mới nầy đòi hỏi một con đường phát triển mới, với những cơ cấu tổ chức mới và luật lệ mới, cho thế giới toàn cầu hoá hôm nay.

Nội dung của Thông điệp cho thấy nền nhân bản toàn diện không những bao quát các phương diện của cuộc sống, như văn hoá và xã hội, kinh tế và chính trị, song còn bao gồm phương diện vật chất và tinh thần, khoa học và đức tin, tâm lý và luân lý, lý trí và tâm linh, tiến hoá và phát triển, tình huynh đệ đại đồng và tinh thần trách nhiệm liên đới. Tất cả các phương diện đó không tách biệt nhau, song liên kết mật thiết và tạo nên một thể thống nhất trong nền nhân bản mới. Đó là một nền nhân bản vừa toàn diện, vừa mở ra với siêu việt.

4.Ngoài ra, ý nghĩa nội dung của Thông điệp cho người chú tâm nghiên cứu thấy Đức Giáo Hoàng Bênêđitô XVI có một cái nhìn toàn diện, một thái độ mở đường, và một phong cách phục vụ cho sự sống và sự phát triển con người cùng nhân loại trong thế giới hôm nay.

Cái nhìn toàn diện. Ý nghĩa nội dung của Thông điệp cho thấy toàn diện ở đây không những bao gồm các chiều kích nêu trên, song còn bao gồm chiều rộng và chiều dài, chiều cao và chiều sâu của khoa xã hội học và lịch sử, của khoa học kỹ thuật và thần học, của lý trí và đức tin, của tự nhiên và siên nhiên. Nói theo lý Thiền, đó là cái nhìn từ đỉnh Thái Hoà. Nói theo lẽ đạo, đó là cái nhìn dưới ánh sáng Thượng Trí của Đấng Chí Tôn. Đó là cái nhìn theo sự khôn ngoan của Đấng Tạo Hoá và là Người Chủ của lịch sử nhân loại, vượt lên trên sự khôn ngoan hạn hẹp của thụ tạo trong thế gian.

Thái độ mở đường. Trong Thông điệp, khi đề cập đến những vấn đề nghiêm trọng cùng khủng hoảng trong cuộc sống thế giới ngày nay, Đức Giáo Hoàng không có thái độ chỉ trích hay kết án, song coi đó là cơ hội để soi sáng và mở đường cho các giới hữu trách vượt qua chướng ngại và tiến bước trên con đường phát triển đích thực, toàn diện và vững bền. Rõ ràng đó là thái độ đối thoại và hợp tác xây dựng cùng phát triển một cộng đồng nhân loại mới sống trong chân lý và tình yêu của Đức Kitô Đấng cứu độ.

Phong cách phục vụ. Qua Thông điệp, Đức Giáo Hoàng thể hiện một phong cách giống như phong cách của Chủ chiên nhân hậu, quảng đại và hy sinh, tân tình chăm lo cho đoàn chiên, - chiên trong đàn và ngoài đàn, chiên lạc và chiên đau yếu cùng bị thương tích. Đó cũng là phong cách của Chúa nhập thể làm người, đồng cảm và đồng hành với nhân loại, quảng đại yêu thương và khiêm tốn phục vụ cho sự sống và sự phát triển của họ cho đến cùng.

Toà TGM ngày 4.12.2009
+ ĐHY Phạm Minh Mẫn
Nguồn vietcatholic
FOTO Profi Media

No comments: