Saturday, September 19, 2009

Thay Đổi Tên Đường của Thành Phố Sài Gòn Xưa Nay

Thay Đổi Tên Đường của Thành Phố Sài Gòn Xưa Nay

Phần 1: Sơ lược về thành phố Sài Gòn từ năm 1795 đến 2004

Tên đường của thành phố Sài Gòn đã bị đổi thay nhiều lần qua bao nhiêu trào lưu lịch sử của nước Việt Nam kể từ khi có sự xuất hiện của đoàn quân viễn chinh xâm lược Pháp đánh phá vụng cảng Đà Nẵng rồi quay xuống phía Nam đánh chiếm thành Gia Định vào năm 1861. Có thể nói rằng thành phố Sài Gòn là một thành phố lớn nhất của nước Việt Nam ở bất kỳ thời đại nào từ tháng 8 âm lịch năm Đinh Dậu (7-9-1788), là thời điểm Nguyễn Vương Phúc Ánh phá tan quân Tây Sơn để chiếm lại đất Gia Định một cách vĩnh viễn và kể từ năm đó đến năm 1801, Nguyễn Vương lập Kinh đô Gia Định dùng làm bàn đạp để Bắc tiến:

Đầu năm Canh Tuất (1790), xây đắp lại một thành đồn cũ ở làng Tân Khai cho rộng thêm. Đồn nầy còn có tên là đồn Nghi Giang (Rạch Thị Nghè ngày nay) hay Đồn Đất. Thời Pháp thuộc, trên địa danh nầy là một bệnh viện quân đội của Pháp có tên là Hopital Grall, rồi trước 30 tháng 04 năm 1975 đổi gọi là Nhà Thương Đồn Đất, sau 1975 đổi gọi là Bệnh Viện Nhi Đồng số 2. Sau khi xây đắp lại, đồn đất Tân Khai trở nên một thành lũy kiên cố tráng lệ tức là thành Gia Định còn gọi là thành Bát quái hay thành Qui (hình con rùa).

Về thành mới nầy, Trịnh Hoài Đức mô tả khá rõ ràng trong sách Gia Định Thành Thông Chí: "Ngày 4 tháng 2 mùa xuân năm Canh Tuất thứ 13 (1790) mới đắp thành Bát quái ở gò cao thôn Tân Khai đất huyện Bình Dương, thành như hình hoa sen, mở tám cửa, tám đường đi ngang dọc, bề đông tây 131 trượng 2 thước, bề nam bắc cũng thế, cao 10 thước, chân dày 7 trượng 5 thước, đắp làm 3 cấp. Ngồi ngôi kiểu trông hướng Tốn. Trong thành đằng trước bên tả dựng Thái miếu, giữa làm sở hành tại, bên tả là kho trữ tích, bên hữu là Cục chế tạo, xung quanh là các dãy nhà cho quân túc vệ ở. . . thành đặt xong, ngoài thành đường ngõ, phố chợ bày hàng ngang dọc, đều có thứ tự. Đường quan lộ bên tả từ cửa Chấn hanh qua cầu Hòa Mỹ, qua sông Bình Đồng mà đến trấn Biên Hòa"(Trịnh Hoài Đức, Gia Định Thành Thông Chí, bản dịch 1998; NXB Giáo Dục; trang 176).

Tuy nhiên, theo sách Đại Nam Nhất Thống Chí của Quốc sử quán triều Nguyễn thì còn có một con đường quan lộ khác cũng xuất phát từ cửa Cấn Chỉ của đồn thành cũ Tân Khai hướng về phía bắc, nguyên xưa khai thác từ Tất Kiều (nay là Cầu Sơn) phía bắc đến Bình Trị (?) ruộng bùn lầy lội chưa mở, hành khách muốn đến Biên Hòa hoặc lên Băng Bột đều phải đáp thuyền đò. Năm Mậu Thìn (1748), nhân có loạn Cao Man, quan Điều khiển là Nguyễn Doãn mới đăng dây đắp thẳng, gặp chỗ mương rãnh thì bắc cầu, gặp chỗ bùn lầy thì bỏ cây đắp đất để đi qua lại, từ cửa Cấn Chỉ của thành đồn cũ đến bến đò Bình Đồng dài 17 dặm, phía bắc tỉnh giới Biên Hòa có đặt trạm Bình Đồng theo hướng bắc qua núi Chiêu Thái (núi Châu Thới ngày nay) đến bến đò Bình Xan (hay Bình Thiển), qua bến Sa Giang (sông Cát) do đường Phủ sứ xuống Đông Môn (nay là Long Thành) đến Hưng Phước (nay là Bà Rịa), phàm gặp mấy sông lớn có đặt độ thuyền độ phu được miễn trừ sưu dịch. (ĐNNTC; Lục tỉnh Nam Việt; Tập thượng: Biên Hoà-Gia Định; phụ chép Thiên lý cù; trang 87; Sài Gòn; tái bản 1973).

Bản đồ Saigon xưa như vậy, sau khi Nguyễn vương Phúc Ánh xây cất lại đồn Nghi Giang hay Đồn Đất để làm kinh thành Gia Định vào năm 1790 thì thành nầy đã có sẵn một con đường cái quan để đi ra Bắc từ năm 1748 và một con đường cái quan khác cũng để đi ra Bắc cũng được xây cùng một lúc với công trình sửa mới thành Đồn Đất như Trịnh Hoài Đức mô tả.

Theo sự mô tả của GĐTTC thì từ 1790 đến 1801, các cơ cấu kiến trúc của thành Quy gồm có: các vòng thành bao bọc hình hoa sen; trong thành có Thái Miếu (P), sở hành tại (A) (chỗ để Nguyễn vương cư trú và làm việc), kho trữ tích (E), Cục Chế Tạo (F), các dãy nhà cho quân túc vệ (H), cột cờ 3 tầng (I), các hào lũy. Ngoài thành thì đường ngõ, phố chợ được chỉnh trang thứ tự. Sửa sang và xây đắp 2 con đường quan lộ: một đường đi hướng Bắc từ cửa Chấn Hanh về phía Biên Hòa, một đường đi hướng Nam từ cửa Tốn Thuận. (Cần lưu ý rằng Thái Miếu được xây dựng vào năm 1796: xin đọc lại ở trang 1267 và 2 quan lộ chính yếu).

Các tên cửa thành Quy trong khoảng thời gian nầy được gọi theo các quẻ bát quái đồ Càn, Khảm, Cấn, Chấn, Tốn, Ly, Khôn, Đoài. -Hướng Đông - Nam có cửa Tốn Thuận. -Hướng Tây - Bắc có cửa Càn Khảm. -Hướng Đông - Bắc có cửa Cấn Chỉ. -Hướng Tây - Nam có cửa Khôn Hậu. -Hướng chánh Đông có cửa Chấn Hanh. -Hướng chánh Tây có cửa Đoài Duyệt. -Hướng chánh Nam có cửa Ly Minh. -Hướng chánh Bắc có cửa Khảm Hiểm.

Năm 1801, Thái miếu trong thành Quy bị tháo gở lấy vật liệu đưa ra thành Phú Xuân - Huế để dựng Thái Miếu ở đó.

Năm 1809, bên trong thành Quy lại có thêm Vọng cung, lầu bát giác hai bên tả hữu để canh phòng. Từ đó về sau lại có thêm những kiến trúc như: hành cung để dự bị khi vua đi tuần hành, các công thự của quan tổng trấn, của phó tổng trấn và của hiệp đốc trấn. Sửa sang trại quân ở 3 cửa Càn Nguyên, Ly Minh, Tốn Thuận (H) lợp ngói sơn son, hoa lệ, nghiêm chỉnh. Cũng theo Trịnh Hoài Đức, Đường quan lộ bên hữu gặp chỗ quanh co đều chăng dây làm cho thẳng, tự cửa Tốn Thuận qua chùa Kim Chương qua phố Sàigòn Gòn (tức Chợ Lớn ngày nay) đến cầu Bình Yên, qua gò Tuyên Tự mà đến sông Thuận An (Vàm Cỏ Đông), bến đò Thủ Đoàn, sang sông Hưng Hòa (Vàm Cỏ Tây), qua giồng Trấn Định rồi đến giồng Triệu. Đường rộng 6 tầm (14m61), hai bên đều trồng các cây thổ nghi như mù u, mít, cầu cống thuyền đò sở tại thường sửa chữa, đường phẳng như đá mài, gọi là đường thiên lý phía nam (Trịnh Hoài Đức; sđd; trang 176).

Ngoài 3 con đường thiên lý cù vừa kể trên, sách ĐNNTC cũng có viết thêm một con đường thiên lý khác về phía cửa Đoài Duyệt của thành Qui như sau: "Một đường phía tây, niên hiệu Gia Long thứ 14, mệnh (tức là truyền lệnh) tỉnh thần đo từ cửa Đoài Duyệt ở tỉnh thành nơi nơi cầu Tham Cấn (Tham Lương) qua đò Thi Du, chằm Lão Phong, giáp ngã ba sứ lộ qua Xỉ Khê (Tây Ninh) đến địa phận A Ba Cao Man, giáp Đại Giang (Sông Mê Kông) dài 439 dặm. Gặp chỗ có rừng thì chặt cây đắp đường bề ngang 3 trượng (14m61), làm ra con đường bình an tiện lợi, chỉ hiềm đường xa vắng vẻ không có nhà cửa dân cư, Lại theo dọc sông A-Ba xuống phía nam 194 dặm đến đồn Lô Yêm (Lovea-em). Từ Kha Pha lên phía bắc 49 dặm đến sách Chế Lăng (Chelong hay Chlong) cũng là một yếu lộ dụng binh." (ĐNNTC; sđd; trang 87). Con đường nầy có thể đã có từ lâu và dùng để đi Cao Miên (ngày nay là Đường Lê Văn Duyệt nối dài trước ngày 30 tháng 04 năm 1975) nhưng mãi đến năm Gia Long thứ 14 (1815) mới được chỉnh đốn lại giống như ĐNNTC mô tả.

Như lịch sử đã ghi lại, có rất nhiều người Pháp đánh thuê được Nguyễn Vương Phúc Ánh xử dụng để phục vụ trong chương trình xây dựng và củng cố vùng đất Gia Định Nguyễn Ánh đã tận dụng kiến thức quân sự của các sĩ quan Pháp bằng cách yêu cầu họ vẽ các họa đồ, và trông nom việc xây dựng, một tòa thành lũy tân tiến theo thiết kế của Âu Châu. Họa đồ được vẽ bởi Theodore Lebrun và đại tá Victor Olivier de Puymanel coi sóc công trình xây cất kinh thành Gia Định. Trên họa đồ vẽ bởi Theodore Le Brun theo lệnh của Nguyễn vương vào năm 1795 người ta thấy phía ngoài 4 mặt thành đã có nhiều phố xá; mặt phía trước thành, đường phố lấn ra tới bờ sông Bến Nghé; mặt phía trái tới bờ Thị Nghè nơi đó có dinh riêng dành cho giáo sĩ Bá Đa Lộc. (ngày nay là vị trí gần với Viện Bảo Tàng nằm bên trong Sở Thú Sài Gòn) và nhà phố lan tới phía bên kia cầu Thị Nghè; mặt phía sau thành nhà cửa phố xa đông đúc chạy dọc suốt đến Cầu Bông và cầu Kiệu ngày nay; về phía bên mặt của thành thì phố xá lan rộng ra tới đường thiên lý đi Cao Miên tức là đường Lê Văn Duyệt nối dài sau nầy. Nhìn sang hướng tây nam là các hiệu buôn bán của người Hoa mà trên bản đồ ghi là Bazar Chinois tức là thành phố Chợ Lớn Sau nầy. Trong sách Gia Định Thành Thông Chí được hoàn thành dưới thời hoàng đế Gia Long Nguyễn Phúc Ánh, Trịnh Hoài Đức đã dùng nhóm chữ Phố Sài Gòn để gọi khu phố người Hoa nầy (Trịnh Hoài Đức; sđd; trang 176).

Phố xá vào lúc nầy nhất định là phải có số hoặc có tên bằng tiếng Việt Nam và khó có thể có -hoặc nếu có thì cũng chỉ là một vài trường hợp đặc biệt- những tên đường bằng tiếng ngoại quốc. Một điểm đáng chú ý là trên bản đồ của Le Brun nơi phần chú giải góc phải phía trên được ghi là Plan de la Ville de SAIGON-Đồ bản Thành Phố SÀI GÒN có nghĩa là kinh đô Gia Định vào năm 1795 bao gồm khu phố người Hoa BAZAR CHINOIS của Le Brun mà Trịnh Hoài Đức gọi là Phố Sài Gòn và khu phố rộng lớn bao quanh thành Qui.

Nơi quyển III, mục Cương vực chí, Trịnh Hoài Đức viết: " ...Kể thì Gia Định, xưa là đất của nước Thủy Chân Lập (tức là nước Cao Mên ngày nay, nòi giống chia làm Thủy Chân Lập và Lục Chân Lập), đất ruộng béo tốt, sông nhiều, có nhiều địa lợi như thóc, đậu, cá, muối. "Các đấng tiên hoàng triều ta chưa nhàn rỗi mưu tính xa, tạm cho đất ấy là đất của nước Cao Mên, đời đời xưng là nước phiên ở phương Nam, cống hiến không ngớt. Đến năm Mậu Tuất đời Thái Tông Hiếu Triết hoàng đế năm thứ 11 (1658), (Lê Thần Tông Vĩnh Thọ năm thứ 1; ngang với niên hiệu Minh Vĩnh Lịch năm thứ 12, Thanh Thuận Trị năm thứ 14), mùa thu, tháng 9 , vua nước Cao Mên là Nặc Ông Chân xâm phạm biên giới..." Vua sai Phó tướng dinh Trấn Biên (khi bắt đầu mở mang bờ cõi, phàm chỗ đầu địa giới gọi là Trấn Biên, xét dinh Trấn Biên nầy, tức là trấn Phú Yên ngày nay) là Yến Vũ hầu, Tham mưu là Minh Lộc hầu, Cai đội suất tiên phong là Xuân Thắng hầu, đem 2,000 quân , đi 2 tuần đến thành Mỗi Xoài (tức Bà Rịa ngày nay) nước Cao Mên, đánh phá tan được, bắt vua ấy là Nặc Ông Chân, đóng gông đem đến hành tại ở dinh Quảng Bình. Vua dụ tha tội, vẫn phong Nặc Ông Chân làm vua nước Cao Mên, cho làm phiên thần nộp cống, không được để cho dân phiên xâm nhiễu. Bèn sai quan quân hộ tống về nước.

Khi ấy địa đầu trấn Gia Định là hai xứ Mỗi Xoài, Đồng Nai (đất trấn Biên Hòa ngày nay) đã có dân lưu tán của nước ta cùng ở lẫn với người Cao Mên, để khai khẩn ruộng đất, mà người Cao Mên Sợ phục uy đức của triều đình, lại nhường mà tránh, không dám tranh giành ngăn trở.

"Giáp Dần năm thứ 27, Lê Gia Tông Đức Nguyên năm thứ 1 _ (Đại Thanh Khang Hy năm thứ 13, 1674)_ mùa Xuân, tháng 2, người nước Cao Mên là Nặc Đài (xét Nam Việt Chí của Nguyễn Bảng Trung gọi là Nặc Ô Đài, Phủ Biên Tạp Lục của Lê Quý Đôn gọi là Nặc Đài) đuổi vua nước ấy là Nặc Ông Non chạy sang nước ta. Sai tướng dinh Thái Khang (trấn Bình Hòa ngày nay) là Dương Lâm Hầu làm thống suất và Tham mưu là Diên Phái hầu cùng phụ trách việc biên giới, đem quân đến đánh.

Mùa hạ tháng 4, phá luôn 3 lũy Sài Gòn (tức đất trấn Phiên An ngày nay), Gò Bích, Nam Vang... Mùa hạ, tháng 6, tin thắng trận tâu lên, triều đình bèn lấy Nặc Thu là phái trưởng phong làm chính quốc vương của nước Cao Mên, đóng ở thành Vũng Long ( chữ Hán gọi là Long Úc, tức là thành U Đong), Nặc Non làm phó quốc vương, đóng ở thành Sài Gòn, triều cống như trước, bèn thăng Dương Lâm hầu làm trấn thủ dinh Thái Khang, phòng giữ việc biên giới ." (Trịnh Hoài Đức; sđd; trang 74,75)

Nhóm chữ lũy Sài Gòn do Trịnh Hoài Đức viết ra bằng chữ Hán nho và có thể đây là lần đầu tiên chữ Sài Gòn mới xuất hiện trên sách sử của Việt Nam để ghi thêm 1 biến cố lịch sử quan trọng thứ nhì xảy ra vào năm 1674, (biến cố quan trọng lần thứ nhứt là vua Cao Mên Nặc Ông Chân xâm phạm biên giới vào năm 1658 như vừa kể ra ở phần trên) hay nói khác đi địa danh Sài Gòn đã là một đồn lũy phòng thủ (nhỏ hơn một thành trì bình thường), hoặc là một thị trấn của nước Cao Miên từ xưa rồi. Câu hỏi nêu lên là lũy Sài Gòn nầy bởi từ đâu mà có ? Và đã có từ bao giờ ?

(còn tiếp)

No comments: